Luật BHYT sửa đổi năm 2024: Tăng cường chế tài đối với hành vi chậm đóng và trốn đóng
28/02/2025 08:09 AM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Ngày 27/11/2024, Quốc hội khóa XV đã thông qua Luật số 51/2024/QH15 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế (BHYT), chính thức có hiệu lực từ ngày 01/7/2025. Luật mới bao gồm nhiều nội dung sửa đổi, bổ sung quyền lợi, chế độ cho người tham gia, đồng thời quy định, xử lý nghiêm các hành vi chậm đóng và trốn đóng BHYT nhằm bảo vệ quyền lợi của người lao động và đảm bảo tính minh bạch trong việc thực hiện chính sách BHYT.
Tăng cường chế tài đối với hành vi chậm đóng và trốn đóng BHYT
Hành vi chậm đóng BHYT
Hành vi chậm đóng BHYT xảy ra khi Người sử dụng lao động chưa đóng hoặc đóng chưa đầy đủ số tiền phải đóng BHYT theo quy định; không lập danh sách hoặc lập danh sách không đầy đủ số người phải tham gia BHYT trong thời hạn 60 ngày kể từ ngày hết thời hạn đóng BHYT theo quy định.
Để xử lý, Luật quy định người sử dụng lao động phải có trách nhiệm: Nộp đủ số tiền chậm đóng, kèm theo lãi suất 0,03%/ngày tính trên số tiền và số ngày chậm đóng; chịu xử phạt vi phạm hành chính theo quy định pháp luật; không được xét danh hiệu thi đua, khen thưởng trong thời gian vi phạm.
Hành vi trốn đóng BHYT
Trốn đóng BHYT là hành vi cố ý không thực hiện nghĩa vụ đóng BHYT cho người lao động, bao gồm việc không đóng hoặc đóng không đầy đủ số tiền đã đăng ký BHYT sau 60 ngày kể từ ngày đóng BHYT chậm nhất và đã được cơ quan có thẩm quyền đôn đốc theo quy định; khai báo mức lương thấp hơn thực tế để giảm số tiền đóng.
Đối với hành vi này, Luật quy định: Bắt buộc nộp đủ số tiền trốn đóng, cùng với lãi suất 0,03%/ngày trên số tiền và số ngày trốn đóng; xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự, tùy theo mức độ vi phạm; không xem xét danh hiệu thi đua, khen thưởng trong thời gian vi phạm.
Trách nhiệm bồi hoàn chi phí khám chữa bệnh
Nếu người lao động phải tự chi trả chi phí khám chữa bệnh trong phạm vi quyền lợi BHYT do người sử dụng lao động chậm đóng hoặc trốn đóng thì cơ quan, tổ chức, người sử dụng lao động chậm đóng, trốn đóng BHYT cho người lao động phải hoàn trả toàn bộ chi phí khám bệnh, chữa bệnh trong phạm vi quyền lợi, mức hưởng BHYT mà người lao động đã chi trả trong thời gian chưa có thẻ BHYT do chậm đóng, trốn đóng BHYT.
Việc bổ sung và sửa đổi các quy định về xử lý hành vi chậm đóng, trốn đóng BHYT trong Luật BHYT năm 2024 thể hiện quyết tâm của Nhà nước trong việc bảo vệ quyền lợi y tế cho người lao động, đồng thời nâng cao ý thức tuân thủ pháp luật của các doanh nghiệp và tổ chức sử dụng lao động./. TH
BHXH tự nguyện _ Những điều cần biết
Tham gia BHYT hộ gia đình được hỗ trợ một phần ...
Hướng dẫn NLĐ gặp khó khăn vì dịch COVID-19 nhận ...
Thực hiện Nghị quyết 116 trên địa bàn huyện Bình ...